Một số biến chứng của bệnh Đái tháo đường

   Phần lớn người bệnh đái tháo đường(ĐTĐ) đang phải đối mặt với biến chứng của bệnh, đặc biệt là các biến chứng mãn tính như: biến chứng mạch máu, thần kinh và nhiều biến chứng khác. Hậu quả do biến chứng gây ra thường nặng nề, tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng biết cách phòng ngừa và hạn chế.

1. BIẾN CHỨNG MẮT Ở BỆNH NHÂN ĐTĐ

1.1. Bệnh đáy mắt do ĐTĐ:

  • Nhẹ như phù nề, xuất tiết; nặng như xuất huyết ở đáy mắt; rất nặng như phù hoàng điểm, đục dịch kính hoặc bong võng mạc thường gây mù.

  • Điều trị chung bằng kiểm soát tốt đường máu và huyết áp. Điều trị đặc hiệu khi đã có xuất huyết hoặc có nguy cơ xuất huyết ở đáy mắt.

  • Các biến chứng mắt khác cũng gặp nhiều ở bệnh nhân ĐTĐ là thiên đầu thống, đục thuỷ tinh thể.

  • Các yếu tố dự đoán bệnh võng mạc ở BN ĐTĐ: bị bệnh trong thời gian dài, kiểm soát ĐM kém, tăng HA và rối loạn mỡ máu, có thai, thiếu máu và có bệnh lý thận đi kèm...

1.2. Phòng các biến chứng mắt:

  • Kiểm soát tốt đường máu và huyết áp (<130/80mmHg).

  • Bỏ thuốc lá.

  • Khám bác sỹ mắt ít nhất là một lần mỗi năm.

  • Đi khám mắt ngay nếu thấy: Nhìn mờ, khó đọc sách báo, nhìn đôi, đau 1 hoặc cả 2 bên mắt, mắt đỏ hoặc căng tức, nhìn có hình ảnh ruồi bay, khi có thai...

2. BIẾN CHỨNG THẦN KINH Ở BỆNH NHÂN ĐTĐ

2.1. Các biểu hiện của biến chứng thần kinh ở BN ĐTĐ:

  • Biến chứng thần kinh ngoại biên ở chân: giảm cảm giác, tê bì hoặc nóng rát; cuối cùng là mất cảm giác bàn chân hoặc cẳng chân.

  • BN bị mất cảm giác bàn chân dễ bị loét, chấn thương bàn chân.

  • Biến chứng thần kinh thực vật (thần kinh tự động): đầy bụng, chậm tiêu, ỉa chảy kéo dài; đái khó hoặc bí đái; rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp tư thế...

2.2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến chứng thần kinh:

Kiểm soát đường máu kém, mắc thêm bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu và hút thuốc lá.

Bệnh nhân nam giới, bệnh nhân ĐTĐ týp 2 cũng dễ bị biến chứng thần kinh hơn các bệnh nhân nữ, bệnh nhân typ 1.

2.3. Phòng ngừa và điều trị biến chứng thần kinh do ĐTĐ:

Phòng ngừa tốt nhất bằng kiểm soát tốt đường máu và các yếu tố nguy cơ.

Điều trị triệu chứng tê bì, nóng rát, đau bằng các biện pháp như đi tất, mặc quần áo dài khi đi ngủ để ngừa chiếu, ga giường chạm vào da gây đau;

Điều trị với các thuốc giảm đau...

3. BIẾN CHỨNG THẬN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

3.1. Những bệnh nhân ĐTĐ nào hay bị biến chứng thận:

Kiểm soát đường máu kém.

Tăng huyết áp, bệnh nhân nam giới, bị ĐTĐ lâu, ĐTĐ týp 1, hút thuốc lá, có bệnh thận khác đi kèm như sỏi thận, nhiễm khuẩn tiết niệu...

Biến chứng thận do ĐTĐ là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận.

3.2. Các triệu chứng và chẩn đoán biến chứng thận:

Giai đoạn sớm chỉ có protein trong nước tiểu. Giai đoạn muộn có hội chứng thận hư, suy thận.

Các triệu chứng của suy thận thường không đặc hiệu: Phù, đái ít, thiếu máu, mất ngủ, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi và giảm trí nhớ, huyết áp cao.

3.3. Ngăn ngừa và điều trị biến chứng thận như thế nào?

Có thể phòng ngừa được biến chứng thận bằng kiểm soát tốt đường máu.

Kiểm soát huyết áp của bệnh nhân ĐTĐ ở mức <125/75mmHg.

Bệnh nhân có suy thận hoặc hội chứng thận hư cần được nhập viện.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn 3b hoặc 4 cần được điều trị lọc máu.

4. BIẾN CHỨNG TIM MẠCH Ở BỆNH NHÂN ĐTĐ

4.1. Tại sao bệnh ĐTĐ hay gây biến chứng tim mạch:

Biến chứng tim mạch là thủ phạm gây tử vong ở 80% các bệnh nhân ĐTĐ. Nguy cơ bị bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não tăng 2 - 4 lần.

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ do các nguyên nhân rối loạn mỡ máu, tăng HA, đường máu cao kéo dài...

Xơ vữa động mạch ở bệnh nhân ĐTĐ thường nặng và ở nhiều vị trí, dễ gây tắc mạch.

4.2. Các biến chứng tim mạch ở BN ĐTĐ có biểu hiện như thế nào?

Tắc hẹp mạch vành nuôi tim gây nhồi máu cơ tim.

Tắc mạch não gây nhồi máu não hoặc vỡ mạch não gây xuất huyết não.

Tắc hẹp các mạch máu ở chân gây đau cách hồi, hoại tử bàn chân, ngón chân.

4.3. Các biện pháp ngăn ngừa biến chứng tim mạch ở BNĐTĐ

Kiểm soát tốt đường máu: HbA1C<7%.

Kiểm soát HA<130/80mmHg.

Điều trị rối loạn mỡ máu.

Các biện pháp khác: Tập thể dục đều; duy trì cân nặng bình thường; bỏ thuốc lá; uống aspirin hàng ngày; điều trị biến chứng thận; làm siêu âm mạch máu 1 năm/lần.

5. BIẾN CHỨNG HẠ ĐƯỜNG MÁU

5.1. Thế nào là hạ đường máu?

Hạ đường máu là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống < 4mmol/l.

Hạ đường máu nặng gây tử vong hoặc để lại các di chứng về tâm - thần kinh.

5.2. Các triệu chứng của hạ đường máu như thế nào?

Giai đoạn đầu (đường máu < 4mmol/l): đói, vã mồ hôi, run chân tay, lo sợ...

Giai đoạn sau (đường máu < 3mmol/l): yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ...

Giai đoạn cuối (đường máu < 2mmol/l): hôn mê, co giật...

Triệu chứng có thể không rõ ở bệnh nhân bị ĐTĐ đã lâu, đã có biến chứng thần kinh, đã bị hạ đường máu nhiều lần.

5.3. Nguyên nhân gây hạ đường máu ở các bệnh nhân ĐTĐ:

Một số nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ bị hạ đường máu hơn như:

  • Ăn quá ít, bỏ bữa ăn hoặc ăn chậm sau khi uống/tiêm thuốc điều trị ĐTĐ.
  • Uống/tiêm liều quá cao các thuốc điều trị ĐTĐ như: insulin, sulfonylurea.
  • Tập luyện hoặc lao động quá nặng, quá lâu so với bình thường.
  • Dùng đồng thời một số thuốc như: Mobic, Voltaren; thuốc điều trị nấm hoặc kháng sinh như Biseptol...
  • Uống rượu quá nhiều.
  • Bị các bệnh gan, thận, tim hoặc nhiễm trùng nặng.

5.4. Điều trị hạ đường máu:

  • Ăn ngay đồ có đường glucose như nước đường, nước hoa quả, nước ngọt, sữa, bánh kẹo...
  • Trường hợp nặng, bệnh nhân có hôn mê: tiêm tĩnh mạch 30 - 50ml glucose 30% hoặc bôi mật ong, mứt ngọt vào trong miệng bệnh nhân.
  • Liên hệ ngay với bác sỹ điều trị hoặc đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.
  • Lưu ý: Nếu nghi ngờ bị hạ đường máu mà không thể đo được đường máu thì bệnh nhân nên ăn ngay, dù có thể nhầm.

5.5. Phòng hạ đường máu:

Ăn đủ bữa và đúng giờ hàng ngày; tuân thủ đúng chế độ điều trị do bác sỹ chỉ định và theo dõi đường máu thường xuyên.

6. CHĂM SÓC BÀN CHÂN CỦA NGƯỜI ĐTĐ

Nguy cơ bị loét, hoại tử bàn chân ở người ĐTD cao gấp 20 lần người bình thường.

ĐTĐ là nguyên nhân phổ biến nhất gây cắt cụt chân không do chấn thương.

6.1. Vệ sinh bàn chân:

  • Rửa sạch chân hàng ngày, sau đó lau khô bàn chân và nhất là kẽ giữa các ngón chân.
  • Xoa nhẹ bàn chân hàng ngày, cắt giũa móng chân thương xuyên.
  • Hạn chế đi chân đất, kể cả khi ở nhà.
  • Đi giày da mềm, mũi rộng, gót thấp và phải vừa với chân.
  • Phòng ngừa chai chân, nếu muốn cắt chai chân thì nên đến gặp bác sỹ.

6.2. Các biện pháp hỗ trợ khi có tắc hẹp động mạch ở chân:

  • Không hút thuốc lá.
  • Luôn giữ ẩm bàn chân, hoặc đi tất chân nhưng không đi tất chật.
  • Không ngồi ở tư thế bắt chéo hai cẳng chân.
  • Không tự ý dùng các thuốc điều trị các bệnh lý của bàn chân.
  • Không nên chườm hoặc ủ ấm chân bằng chai nước nóng hoặc tấm đệm nóng.
  • Luôn giữ chân khô sạch.

6.3. Điều trị và chăm sóc các vết xước da ở chân:

  • Nếu thấy chân có vết phỏng hoặc khi chân bị đau, sưng tấy... phải báo bác sỹ ngay.
  • Điều trị các bệnh nấm da.
  • Tránh bôi các thuốc sát trùng gây kích ứng mạnh như là cồn Iode.
  • Luôn băng vết thương bằng gạc sạch.
  • Trong thời gian điều trị vết thương, nên kê cao chân và hạn chế vận động.

Bs.Ts Nguyễn Quang Bảy 


Được thành lập năm 1998,  Phòng khám Binh Minh  đã phát triển vượt bậc với nhiều chuyên khoa sâu như: Tim mạch, Thần kinhTiêu hoá, Gan mậtNội tiết -Tiểu đườngThận tiết niệuNam khoaPhụ sảnCơ xương khớpTai mũi họng...

Trong khám Nội tiết – Đái tháo đường có Tiến sĩ, Bác sĩ, Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai; Giảng viên  trường Đại học Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam tham gia khám chữa bệnh tại Phòng khám Binh Minh vào sáng Chủ nhật hàng tuần. 

 Tham khảo thêm: Một số điều cần biết khi bị bệnh Đái tháo đường

tin tức nổi bật